Các giai đoạn ăn dặm của bé

2015-01-06 03:33

Ăn dặm là giai đoạn quan trọng của trẻ nhỏ, không chỉ cung cấp dưỡng chất cần thiết cho sự tăng trưởng của bé mà còn giúp bé làm quen dần với mùi vị thức ăn, ảnh hưởng đến khẩu vị của bé sau này. Khi nào nên cho bé ăn dặm, ăn như thế nào và ăn ra sao... là câu hỏi mà các bà mẹ nuôi con nhỏ luôn thắc mắc.

 

Trên thực tế trẻ được 4-6 tháng là thích hợp cho việc tập ăn dặm. Do cơ thể trẻ 4 tháng đầu chưa có đủ men amylase để tiêu hóa chất bột, nếu cho trẻ ăn dặm giai đoan này sẽ dễ làm trẻ đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy… Ngược lại nếu cho trẻ ăn dặm muộn sau 6 tháng, có thể dẫn đến khả năng trẻ bị đứng cân, tăng trưởng chậm. Bé ăn dặm có thể chia làm 3 giai đoạn như sau:

 

Giai đoạn ăn bột - bắt đầu khi bé được 6 tháng tuổi.

Chén thực đơn cho bé ăn dặm đầu tiên là bột loãng (2 muỗng bột trong 200ml nước). Để thay đổi khẩu vị, bạn nên cho bé ăn bột ngọt và bột mặn đan xen nhau.

 

Sau khoảng 1 tháng với bột loãng, bạn có thể cho trẻ ăn bột đặc hơn (4 muỗng bột trong 200ml nước). Có thể cho thịt và rau đã nấu chín, thái nhỏ sau đó xay mịn, cho vào chung với bột. Đây cách giúp bé hấp thụ chất xơ thúc đẩy quá trình tiêu hóa và cũng là tập cho bé quen dần với mùi vị thức ăn.

 

Những thực đơn ăn dặm cho bé đầu tiên của bé nên có mùi vị nhẹ nhàng và các thành phần phải nhuyễn mịn. Bạn có thể bắt đầu với việc trộn lẫn bột với một chút sữa hàng ngày của bé. Việc này giúp giới thiệu cho bé một kiểu thức ăn mới với vị quen thuộc, làm cho bé bớt lạ lẫm khi ăn.

 

Giai đoạn ăn cháo - bắt đầu khi bé được 10 tháng

Giai đoạn này bé đã mọc răng và có thể nhai thức ăn, bạn có thể bắt đầu nấu cháo cho bé ăn. Chén cháo đầu tiên của bé nên là cháo loãng.

 

Bạn cần cho bé ăn cả thịt và rau xanh để đảo bảo đủ chất. Bạn không nên xay nát thức ăn, khiến bé không học nhai được, từ đó không cảm nhận được mùi vị thức ăn, dẫn đến bé nhanh chán, có thể gây ra biếng ăn. Bạn nên băm nhỏ thịt và rau xanh thay vì xay nhuyễn tất cả mọi thứ.

 

Chỉ nêm cho trẻ bằng muối hoặc nước mắm, nhạt hơn khẩu vị người lớn. Ngoài cháo, bạn có thể cho bé làm quen với các thức ăn mềm như bún, phở, mì, nui… để trẻ đổi khẩu vị, kích thích sự ngon miệng.

 

Giai đoạn ăn cơm nát - bắt đầu từ khi bé mọc đủ 20 răng sữa

Không nên cho trẻ ăn quá sớm, sẽ không tiêu hóa được thức ăn, dẫn đến không hấp thu được chất dinh dưỡng. Cho ăn quá muộn, trẻ sẽ không có đủ dưỡng chất để phát triển, có thể dẫn đến suy dinh dưỡng.


 

Giai đoạn bé 2 tuổi, mọc được 20 chiếc răng, đã qua giai đoạn ăn cháo, bé có thể đã biết cắn nhai nghiền nát thức ăn trước khi xuống dạ dày, là giai đoạn thích hợp để tập cho bé ăn cơm và các thức ăn người lớn khác.

 

Nên bắt đầu bằng cơm mềm, nấu nhão, dằm nát trộn với thức ăn xé nhỏ. Lúc này, bạn cũng nên cho bé làm quen với các loại canh rau (nên cắt ngắn rau cho bé dễ nhai và không bị hóc).

 

Cần lưu ý là cho dù là giai đoạn ăn dặm nào cũng nên đảm bảo đầy đủ cho bé 4 nhóm thức ăn: Bột, đường, đạm, dầu mỡ và rau.

 

Chế độ ăn cho bé từ 0 - 2 tuổi

Thực đơn cho bé 1- 6 tháng đầu: bú mẹ hoàn toàn

Thực đơn cho bé 6 tháng tuổi: tập ăn dặm bằng bột loãng (5%) + Trái cây

6-9 tháng 2 chén bột đặc (10%) + Trái cây

10-12 tháng 3 chén cháo + Trái cây

12-24 tháng 4 chén cháo + Trái cây

 

Những lưu ý khi tập cho bé ăn dặm

Bé cần có thời gian để “làm quen” với những thực phẩm, hương vị mới, vì thế hãy tập cho bé ăn từng chút một.

 

Việc cho bé tập làm quen với thức ăn mới một cách từ từ sẽ cho phép bạn phát hiện các dấu hiệu dị ứng thực phẩm của bé, chẳng hạn như tiêu chảy, đau bụng hay nổi mày đay. Cho bé ăn một loại thực phẩm mới trong vài ngày. Nên bắt đầu với các loại quả và rau màu vàng, vốn rất dễ tiêu hóa hơn các loại rau củ màu sắc khác.

 

Những thực phẩm tốt cho thời điểm bắt đầu ăn dặm là: chuối, cà rốt, rau, táo, đào, lê, khoai lang, súp lơ và bí ngô hầm nhừ. Các loại rau quả nghiền nhuyễn này có thể cho thêm nước sôi, nước mát hay sữa mẹ, sữa công thức để làm loãng trước khi cho bé ăn.

 

Nếu thấy bé không muốn ăn món ăn mới, bạn dừng lại vài ngày rồi cho bé thử lại. Bé có thể sẽ chỉ thích thú với vài loại thực phẩm nhưng bạn nên tiếp tục thử lại các món bé không thích cho tới khi bé chịu ăn nhiều hơn.

 
Trở lại